Lượt xem: 4313

Những động thái “bành trướng” của Trung Quốc trên thềm lục địa của Việt Nam

Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, khu vực biển thềm lục địa phía Nam của Việt Nam là khu đặc quyền kinh tế, hoàn toàn nằm trong chủ quyền, lãnh thổ, quyền tài phán của Việt Nam. Vậy mà, Chính phủ Trung Quốc vẫn ngang ngược đưa tàu Hải cảnh 5204 xuống khu vực Nhà giàn DK1 Tư Chính để thăm dò, đưa ra nhiều yêu sách, khiến các lực lượng của Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại đây bị cản trở, phiền toái.

    Liên tục trong tháng 11 và đầu tháng 12, Chính quyền Trung Hoa đã điều tàu Hải cảnh phiên hiệu 5204 cơ động đến gần cụm Nhà giàn DK1 ở bãi Tư Chính của Việt Nam. Đây là động thái mới nhất của Trung Quốc nhằm thăm dò, cản trở các lực lượng của Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ trên biển.

    Theo ghi nhận và đăng ký hàng hải của các Nhà giàn DK1 Tư Chính, có lúc tàu 5204 của Trung Quốc chỉ cách Nhà giàn Tư chính 5 hải lý, sau đó cơ động đi sâu vào lô dầu khí 06-01, nơi có các lực lượng công nhân Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ tại đây. Vẫn các thủ đoạn cũ, tàu 5204 của Trung Quốc vừa tự hành, vừa dùng các thiết bị vệ tinh quay phim, chụp ảnh và hành xử rất liều lĩnh. Tuy nhiên, mọi dấu vết âm mưu của tàu 5204 đều được các lực lượng Cảnh sát biển, Hải quân, Kiểm ngư Việt Nam theo dõi và xử lý đúng đối sách trên biển.

Tàu hải cảnh của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền bãi cạn Tư Chính của Việt Nam - ảnh tư liệu 

    Trước động thái mới của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định bãi Tư Chính là một phần của đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. “Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn, vì thế Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách đối với khu vực này”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - Lê Thị Thu Hằng, nhấn mạnh.

    Theo quan sát và báo cáo về từ khu vực tàu 5204 đang ngang ngược “tự hành”, tàu 5204 có động thái áp sát các tàu dịch vụ và các giàn khoan dầu khí của Việt Nam. Đây là hành động có sự chuẩn bị và có kế hoạch kỹ lưỡng. Các đảo của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ trước như đảo Chữ Thập được sử dụng như một trung tâm hậu cần và tiếp nhiên liệu cho tàu 5204 và các tàu công vụ khác của Bắc Kinh.

    Ngày 3-12, tại cuộc Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 24-11, Đài Loan (Trung Quốc) tiến hành tập trận bắn đạn thật tại khu vực xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao - Lê Thị Thu Hằng, nêu rõ: “Như đã nhiều lần khẳng định, việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không được tiến hành hoạt động diễn tập trái phép nêu trên, cũng như lặp lại vi phạm trong tương lai”.

Nhà giàn DK1 Tư Chính vẫn hiên ngang, kiên cường trên thềm lục địa -ảnh Mai Thắng.

    Trả lời câu hỏi của phóng viên, đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những động thái mới đây của Trung Quốc trên Biển Đông như việc tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) thông báo khôi phục lại các chuyến du lịch tàu biển ra quần đảo Hoàng Sa và Hải quân Trung Quốc tổ chức tiếp nhận tàu bệnh viện tại bến cảng trên đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao - Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Như đã nhiều lần khẳng định, mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và không có giá trị pháp lý. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hủy bỏ và chấm dứt việc tổ chức các chuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng như các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng và làm phức tạp tình hình, đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) tại Biển Đông và quan hệ hai nước. Một lần nữa, Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”.

 Mai Thắng

 


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 114
  • Hôm nay: 8215
  • Trong tuần: 75,535
  • Tất cả: 11,859,724